Theo Global Cement, tính đến tháng 12 năm 2018, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới với công suất lắp đặt là 1.484 triệu tấn/năm, tiếp theo là Ấn Độ và Việt Nam lần lượt 437 triệu tấn/năm và 148 triệu tấn/năm.
Mặc dù ngành xi măng Trung Quốc đang phải đối mặt với việc cắt giảm sản lượng, nhưng công suất dự kiến của quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn cao hơn tổng công suất của chín nước còn lại là 200 triệu tấn.
Theo thống kê, Việt Nam có tổng cộng 74 nhà máy sản xuất xi măng, hầu hết đều do nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát hoặc sở hữu. Thực tế các nhà máy không hoạt động hết công suất lắp đặt, nhưng sản lượng sản xuất xi măng ở Việt Nam vẫn ở mức khá cao, và tình trạng dư thừa nguồn cung đã xuất hiện trong vòng vài năm trở lại đây.
Công suất lắp đặt (triệu tấn/năm) của các nước đứng đầu. (Nguồn: Global Cement, VDSC)
Sản xuất xi măng ở Việt Nam đã tăng nhanh về sản lượng cũng như số công ty gia nhập ngành. Xét về tổng sản lượng thực tế, Việt Nam sản xuất được 78 triệu tấn trong năm 2017, con số này tăng lên 83 triệu tấn vào năm 2018 và dự kiến, tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy năm 2019 sẽ đạt gần 90 triệu tấn.
Sản lượng sản xuất tăng cao, trong khi cầu không hấp thu được đã đẩy ngành vào tình trạng dư cung. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cả nước phải đối mặt với tình trạng dư thừa 26 triệu tấn xi măng trong năm 2017.
Lời giải cho bài toán dư cung chính là xuất khẩu, và thị trường lớn nhất chính là Trung Quốc, khi quốc gia này đã quyết định cắt giảm sản lượng xi măng nội địa 10% trong năm 2018.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu xi măng Việt Nam đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây, lên mức 1,1 tỷ USD và còn sẽ tiếp tục tăng trong hai tháng cuối năm 2018.
Giá trị xuất khẩu clinker & xi măng (tỷ USD). (Nguồn: Tổng cục Hải quan, VDSC)
Tính đến giữa tháng 11 năm 2018, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam, với khối lượng hơn 7,6 triệu tấn và giá trị đạt hơn 276 triệu USD. Bangladesh đứng thứ hai với khối lượng nhập gần 6 triệu tấn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn xi măng của Việt Nam trong 10 tháng đầu 2018.
Giá bán trung bình của xi măng Việt Nam thay đổi theo từng quốc gia đối tác. Các nước Đông Nam Á đang nhập khẩu xi măng với giá cao nhất. Cụ thể, Campuchia đang nhập khẩu xi măng từ Việt Nam với 51,6 USD / tấn và Philippines phải trả 46,4 USD cho mỗi tấn nhập khẩu. Trung Quốc, với sức mạnh đàm phá, chỉ dành 36,3 USD nhập khẩu một tấn xi măng từ Việt Nam.
Sản lượng và giá trị xuất khẩu theo các nước và Giá xuất khẩu trung bình sang các nước (USD/tấn). (Nguồn: Tổng cục Hải quan, VDSC)
Trước đó, tháng 3 năm 2017, Trung Quốc đã cân nhắc cắt giảm 10% sản lượng than, thép và xi măng để kiểm soát ô nhiễm không khí. Xa hơn nữa, Trung Quốc cũng đề ra kế hoạch cấm mở rộng công suất các ngành công nghiệp nặng, bao gồm cả xi măng vào năm 2018. Vì vậy, sản phẩm xi măng Việt Nam tăng cơ hội bán hàng cho thị trường Trung Quốc.
Đăng bởi ximang.vn
Cập nhật bởi Cost Solutions